Chào thầy và các bạn!
Nói về “dân tộc”, em có thể khẳng định rằng, đây là một phạm trù, một khái niệm rất sâu, rất rộng. Cũng giống như khái niệm “Dịch” đã từng được thầy đề cập ở bài viết “Dịch, chiến tranh và ký ức văn hóa: Tiếp cận thể loại tự thuật về đời sống bị cầm tù trong văn học Mỹ từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII từ điểm nhìn dịch văn hóa”, “dân tộc” không chỉ dừng lại ở khái niệm đất nước, quốc gia thông thường! Vậy, “dân tộc” là gì?
Dân tộc là một quá trình phát triển lâu dài của xã hội loài người. Trước khi dân tộc xuất hiện, loài người đã trải qua những hình thức cộng đồng từ thấp đến cao: thị tộc, bộ lạc, bộ tộc. Cho đến nay, khái niệm dân tộc được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng trong tiếng Việt lại được hiểu theo hai nghĩa phổ biến là “dân tộc” và “sắc tộc”. Theo giáo trình “Tư tưởng Hồ Chí Minh” và Wikipedia, em có khái quát lại khái niệm “dân tộc” như sau:
Thứ nhất, dân tộc, hay được hiểu theo nghĩa rộng là cộng đồng người có chung nền văn hóa, nhóm sắc tộc, ngôn ngữ, nguồn gốc, lịch sử; đôi khi bao gồm nhiều nhóm sắc tộc. Dân tộc trong trường hợp quốc gia dân tộc còn được gọi là quốc dân.
Thứ hai, sắc tộc, dùng để chỉ nhóm xã hội được phân loại dựa trên nhiều nét chung như di sản văn hóa, nguồn gốc, lịch sử, ngôn ngữ hoặc phương ngữ.
Tóm lại, để cho dễ hình dung, em có thể đưa ra một số ví dụ sử dụng “dân tộc” trong một số trường hợp như sau:
Ví dụ 1: Nền giáo dục quốc dân; Nền kinh tế quốc dân,… đều được dùng để chỉ nền giáo dục, kinh tế,… của một quốc gia dân tộc.
=> “Dân tộc” ở đây được dùng với cách hiểu nghĩa thứ nhất.
Ví dụ 2: Dân tộc Kinh, Dân tộc Tày, 54 dân tộc anh em,… đều được dùng để chỉ các nhóm người, tộc người có điểm chung về di sản văn hóa, nguồn gốc, lịch sử, ngôn ngữ, phương ngữ,…..
=> “Dân tộc” ở đây được dùng với cách hiểu nghĩa thứ hai.
Như vậy, thế nào được coi là một nền văn học dân tộc? Theo em, đó là nền văn học của đại chúng. Cụ thể hơn, “nền văn học dân tộc” chính là nền văn học của các bộ lạc, bộ tộc, nhóm người, tộc người của một nước (nền văn học mang tính sắc tộc), hay rộng hơn là nền văn học của một đất nước, một quốc gia (nền văn học quốc dân). Muốn hiểu đầy đủ về khái niệm “nền văn học dân tộc”, chúng ta cần phải hiểu được ý nghĩa của nó ở nhiều khía cạnh. Nền văn học của người Mông hay người da đỏ, người Kinh hay người da trắng thì đều được gọi là “nền văn học dân tộc”.
Tương tự như vậy, “nền văn học dân tộc Mĩ” cũng sẽ dễ dàng được cắt nghĩa và hiểu như một thể hợp nhất của tất cả đặc sắc văn học của các tộc người, của những phần nhỏ mà ghép lại tạo nên nước Mĩ, tất cả đã hợp thành nền văn học của Hợp chúng quốc Hoa Kì. “Nền văn học dân tộc Mĩ” cũng giống như bất kì nền văn học dân tộc nào trên thế giới, chúng đều có nghĩa vụ phản ánh hiện thực lịch sử của đất nước đó; phản ánh được những giá trị chung vốn có, lưu giữ và phát triển chúng lên một tầm cao mới.
Vì thế, các tác phẩm được sáng tạo, sáng tác mang màu sắc, văn hóa Mĩ; phản ánh được hiện thực lịch sử, xã hội nước Mĩ hay những giá trị vốn có của nước Mĩ; kế thừa và phát huy những giá trị cũ về vật chất, tinh thần,…của nước Mĩ, hay nói đúng hơn là đáp ứng được các tiêu chí, nhiệm vụ của một nền văn học dân tộc kể trên thì theo em, đều được coi là thuộc vào nền văn học Mĩ. Như vậy, chúng ta không nên nhìn nhận phiến diện, chủ quan rằng những sáng tác của người Mĩ thì mới được xét là đóng góp vào nền văn học Mĩ, là một phần của nền văn học Mĩ. Bởi, nước Mĩ xin được nhắc lại, được coi là “hợp chúng quốc”, có nghĩa là theo quan điểm cá nhân, em nghĩ rằng tất cả các sáng tác của tác giả dù không phải người gốc Mĩ, hay người đó có di cư ra khỏi nước Mĩ, hay sáng tác bằng một ngôn ngữ nào khác tiếng bản địa thì vẫn được coi là tác phẩm thuộc nền văn học Mĩ. Bởi một lẽ đơn giản rằng, văn hóa ngấm cùng máu thịt con người ta, dù ta có ở đâu, sử dụng loại ngôn ngữ nào thì cái chất của văn hóa bản địa vẫn hiện hữu trong ta. Chẳng hạn, người Việt Nam học tiếng Anh, thoạt đầu, khi viết những bài luận, bài văn ngắn bằng tiếng Anh, chắc chắn vẫn có chút ảnh hưởng của văn phong tiếng Việt. Hay phải kể đến những nét đặc sắc trong văn hóa thăm hỏi của người Việt, nó cũng khác hẳn với đặc sắc trong văn hóa phương Tây. Người Việt Nam nhìn thấy nhau thường sẽ hỏi “Anh lại ăn cơm?”, “Anh lại uống nước” dù trước đó không mời người khách đó, mà đó chỉ là câu hỏi lịch sự; hay người nước ngoài kị hỏi tuổi phụ nữ, nhưng người Việt Nam lại hay hỏi tuổi để cho tiện bề xưng hô. Như vậy, người Mĩ thì dù có đi đâu, dùng thứ ngôn ngữ nào thì vẫn có văn hóa Mĩ đồng hành, vậy nên những gì họ viết ra vẫn sẽ là sản phẩn của văn hóa, văn học Mĩ.
Tương tự soi chiếu sang Việt Nam, theo em, để được coi là một nền văn học dân tộc Việt Nam, nó cũng cần phải đáp ứng những được những tiêu chí kể trên đối với bất kì nền văn học dân tộc nào. Văn học Việt Nam đã bước cùng đất nước từ những tháng ngày mới xây dựng, từ ngày mà Văn – Sử - Triết bất phân, từ cái thời mà văn học còn được coi là văn học sử. Chúng ta đã có những tác phẩm văn học dân gian làm nền móng (Tục ngữ, Ca dao, Dân ca, Truyện cổ tích, Truyện truyền kì,….), nó đại diện cho quá trình lưu giữ, phát huy những truyền thống, kinh nghiệm quý báu của cha ông. Chúng ta có những trang văn học với âm hưởng hào hùng (Nam quốc sơn hà, Đại cáo bình Ngô,…) phản ánh những mốc son của lịch sử dân tộc. Chúng ta lại có những trang viết đặc sắc, mang màu sắc thời đại của những tác giả thức thời (Nguyễn Minh Châu, Vi Thùy Linh,…)…. Và dù những tác phẩm được viết bởi người gốc Việt ở ngoại quốc, viết bằng ngôn ngữ không phải tiếng Việt,… thì vẫn là một phần của nền văn học dân tộc Việt Nam. Đó là điều không thể phủ nhận, bởi có rất nhiều tác giả Việt Nam thành công ở hải ngoại, chính họ đã đem văn học Việt Nam tới gần bạn đọc thế giới hơn. Cũng giống như các bạn, khi được học học phần “Văn học Việt Nam từ 1945 đến nay”, em đã được giảng viên giới thiệu khá nhiều các tác giả Việt hiện sống và tiếp tục công việc sáng tác của mình ở nước ngoài như: nhà văn Thuận – tác giả của một số cuốn sách nổi tiếng như “Chinatown” và “Paris 11 tháng 8”, nhà văn Anna Moi Trần Thiên Nga với “Lúa đen”, nhà văn Mây Hồng (Nuage Rose) với tác phẩm “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”, nhà văn Lệ Tân Sitek (Bùi Lý Lệ Tân) với “Ngã ba đường” và “Một mình trên đường”,… Chúng ta không thể phủ nhận thành công của các tác phẩm đó, dù tác giả có ở đâu, viết bằng tiếng Việt, tiếng Pháp hay tiếng Anh thì bản ngã vẫn là cái không đổi, văn hóa Việt vẫn là cái không thể thay thế. Tóm lại, “nền văn học dân tộc Việt Nam” là nền văn học của dân tộc Việt Nam, là nền văn học lưu giữ những giá trị lịch sử của đời sống xã hội, của con người Việt Nam; là nền văn học lưu giữ và phát triển, kế thừa kinh nghiệm của cha ông để lại; là nền văn học mang nhiều dấu ấn thời đại; là nền văn học của nghệ thuật.
Mở rộng vấn đề:
Dựa trên kiến thức và kinh nghiệm vốn có của bản thân, theo em, dân tộc là “dân” + “tộc”, tức là khi cắt nghĩa “dân tộc”, chúng ta sẽ có câu trả lời mong muốn. “Dân” có thể được hiểu là người, loài người, người của một tộc/ nước. “Tộc” có thể được hiểu là loài, dòng dõi, họ. Khi ghép lại, “dân tộc” sẽ được hiểu là những con người trong cùng một loài, thuộc cùng họ hay dòng dõi; họ có những đặc điểm tương đồng về văn hóa, hình dáng, lối sống, ngôn ngữ,…
Như vậy, thế nào là tính dân tộc? Em xin phép được trích dẫn câu nói của Bielinxki như sau: “Văn học cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác đều là sản phẩm tinh thần của một cá nhân nghệ sĩ. Mà cá nhân người nghệ sĩ đó lại thuộc về một cộng đồng, một dân tộc nhất định. Mỗi tác phẩm văn học ít nhiều đều mang dấu ấn riêng về văn hóa, phong tục tập quán hay tâm lí, tính cách đặc trưng của dân tộc mình. Vậy tính dân tộc có thể được xem như là một thuộc tính xã hội của văn học, là một “ thuộc tính tất yếu của việc sáng tạo””.
Tính dân tộc có thể được hiểu là những đặc điểm nổi bật của cộng đồng người có chung lãnh thổ, ngôn ngữ, phương thức và chế độ chính trị trải qua một thời kì lịch sử lâu dài. Tính dân tộc không được bộc lộ một cách rõ ràng, cụ thể thành yếu tố hữu hình mà nó thấm vào trong cảm xúc, trong cách nhìn và phương thức thể hiện của tác phẩm, hay nói cách khác, nó là một yếu tố khá trừu tượng. Nhà văn không phải cứ chăm chú miêu tả về cảnh sắc thiên nhiên hay kể về những tên đất, tên làng gắn liền với dân tộc mình đang sinh sống thì tác phẩm mới có tính dân tộc. Đọc tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du chúng ta thấy trong tác phẩm xuất hiện nhiều địa danh, nhân vật, kể cả cốt truyện đều có nguồn gốc từ đất nước Trung Hoa, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được tâm hồn dân tộc thấm đẫm trong những trang Kiều.
Qua đó, rõ ràng chúng ta có thể thấy, một tác phẩm có tính dân tộc là tác phẩm thể hiện được “tính cách dân tộc và cái nhìn dân tộc đối với cuộc đời” (Trích “Lý luận văn học” – Phượng Lựu chủ biên, trang 103).Tính cách dân tộc là “những nét phẩm chất lặp đi lặp lại tạo thành bộ mặt tinh thần của dân tộc” (Trích “Lý luận văn học” – Phương Lựu chủ biên, trang 104).
Rộng hơn của khái niệm “tính dân tộc” đó là “chủ nghĩa dân tộc”. Chủ nghĩa dân tộc có 3 cách hiểu ứng với 3 nghĩa của “dân tộc” (Nation/ People / Ethnic)
- Dân tộc (Nation):
Theo bài viết “Chủ nghĩa dân tộc” của tác giả Trần Nam Tiến, đăng trên nghiencuuquocte.org, “Chủ nghĩa dân tộc đề cập đến một hệ tư tưởng, một tình cảm, một hình thức văn hóa, hoặc một phong trào tập trung vào quốc gia hay dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc đã trở thành một trong những động lực chính trị và xã hội quan trọng nhất trong lịch sử. Ở một góc độ khác, chủ nghĩa dân tộc là xu hướng tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, đặt dân tộc mình ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, đi đến chỗ khoa trương, bài ngoại, tự phụ, coi dân tộc mình cao hơn tất cả và gây thiệt hại cho dân tộc khác.”
-Dân tộc (People):
“Chủ nghĩa dân tộc” được hiểu theo nghĩa “dân tộc” (People) là hệ thống các tư tưởng, tình cảm, hình thức văn hóa, hoặc phong trào tập trung vào chính con người, gắn liền với xu hướng phục hồi của tôn giáo, tư tưởng bài ngoại, trào lưu chống chủ nghĩa xã hội và âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực phản động phương Tây.
-Dân tộc/sắc tộc (ethnic):
“Chủ nghĩa dân tộc” được hiểu theo nghĩa “dân tộc/ sắc tộc” (Ethnic) gần như đã bị biến tướng thành “Chủ nghĩa ly khai” ở nhiều nơi do đa số các quốc gia là đa sắc tộc hoặc có nhiều nhóm tự nhận vị thế quốc gia, sự theo đuổi quyền tự chủ mang tính dân tộc chủ nghĩa đã gây ra xung đột giữa nhân dân và nhà nước, gây ra hàng loạt cuộc xung đột sắc tộc, và trong những trường hợp cực đoan là diệt chủng, như vấn đề người Hutu và người Tutsi ở Rwanda; người Tamil ở Sri Lanka; người Sikh ở Ấn Độ; người Kurd ở Iraq; Iran và Thổ Nhĩ Kỳ; người Moro ở Philippines, hay giữa người Serbia và người Bosnia ở Nam Tư cũ.
Mong nhận được phản hồi từ thầy và các bạn!