Hình của Giang Ngo Thi Chau
Truyền thuyết trong mối quan hệ với dã sử
Bởi Giang Ngo Thi Chau - Wednesday, 23 November 2016, 7:13 PM
 

I, Khái niệm về truyền thuyết và dã sử 
1, Truyền thuyết là gì ? 
     Truyền thuyết là những tự sự dân gian có cái lõi lịch sử; màu sắc ít nhiều huyền ảo; nội dung kể về các nhân vật và sự kiện lịch sử theo quan điểm và tình cảm của nhân dân. Nói cách khác, truyền thuyết là những tự sự dân gian được kết tụ từ hai yếu tố: lịch sử và hư cấu. Truyền thuyết bao gồm nhiều nhóm: truyền thuyết lịch sử, truyền thuyết phổ hệ, truyền thuyết thần tổ ngành nghề, truyền thuyết địa danh… Trong đó, mang đậm yếu tố lịch sử và tiêu biểu cho đặc điểm thể loại chính là nhóm truyền thuyết lịch sử.
2, Dã sử là gì ? 
     Dã sử là nguồn sử không chính thống, tức là không phải do các bộ máy nhà nước ghi lại. Dã sử là nguồn sử được ghi chép trong dân gian,Trong dã sử, cái cốt lõi lịch sử đôi khi bị che lấp bởi cái vỏ của trí tưởng tượng, sự tô vẽ thêm những chi tiết, sự sai lạc qua những cách kể hoặc những dị bản. Nếu được khảo chứng và phân tích kĩ lưỡng, dã sử vẫn là nguồn cung cấp những tư liệu quý báu thường bị bỏ sót trong chính sử.

II, Truyền thuyết trong mối quan hệ với dã sử

     Việc nhầm lẫn hay đồng nhất giữa truyền thuyết với dã sử chủ yếu xuất phát từ mối quan hệ phức tạp của hai địa hạt này. Truyền thuyết là thể loại văn học ra đời gần như sớm nhất của văn học Việt Nam. Từ khi chưa có khoa học và chữ viết thì người ta hay dùng truyết thuyết để mở đầu cho một sự kiện lịch sử mang tính thời đại. Chính vì vậy mà dã sử được hình thành và truyền thuyết gần như hòa trộn vào với dã sử. 
     Về dạng thức tác phẩm, tuy cùng thể loại tự sự nhưng truyền thuyết do bắt nguồn từ dân gian nên trong truyền thuyết bắt buộc phải có "tính dân gian". Khởi đầu, tác phẩm có thể do một cá nhân nào sáng tác nhưng trong quá trình lưu truyền nó đã trở thành sở hữu tập thể. Ngược lại, dã sử được ghi chép lại nên mang đậm dấu ấn tác giả, tác giả luôn để lại phong cách văn chương và tài năng của mình trong từng trang viết.

     Về đặc điểm sinh tồn, truyền thuyết luôn trôi nổi trong dã sử bởi nó giống nhau trong sự hư cấu về nhân vật. Ngoài ra, truyền thuyết còn dùng để giải thích những điều chưa rõ trong dã sử. Bởi vậy mà truyền thuyết và dã sử luôn tồn tại song hành với nhau. 
     Về thành phần nhân vật, thành phần nhân vật của truyền thuyết rất rộng từ tuyến nhân vật đến thời kì. Truyền thuyết ngợi ca và tôn vinh tất cả những người có công với đất nước. Truyền thuyết có thể viết về những anh hùng nổi tiếng như Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung...và những anh hùng vô danh, bình dị như nghĩa binh phò Trương Định, bộ tướng của Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân,… Trong khi đó, dã sử có mối quan tâm hẹp hơn so với truyền thuyết. Đối tượng và dã sử hướng tới chủ yếu là quan hệ vua-tôi và những câu chuyện xung quanh đối tượng chủ chốt đó. Có lẽ vì vậy mà truyền thuyết là tư liệu vô cùng quý báu đối với việc hình thành nên dã sử. 
     Đặc điểm và cách xử lý sự kiện lịch sử trong tác phẩm cũng khá khác biệt. Truyền thuyết không xem sự kiện lịch sử là mục tiêu phản ánh. Đó chỉ là "điều kiện cần" để tác giả dân gian có thể kể lại trọn vẹn một biến cố lịch sử từ đó có thể nêu bật lên vấn đề thuộc về đời sống tinh thần của nhân dân. Ngược lại, Sự kiện lịch sử đối với dã sử là vô cùng quan trọng. Đó là vấn đề cốt lõi để dã sử hoàn thành sứ mệnh truyền đạt của mình đến người đọc. 

     Về dấu hiệu hình thức, kết cấu của truyền thuyết tương đối ổn định với nhiều yếu tố nghệ thuật lặp đi lặp lại. Ngôn từ của truyền thuyết uyển chuyển khéo léo phù hợp với nội dung cần truyền đạt. Dã sử thì khác, dã sử tuân theo quy tắc lối viết sử. Tuy không khắt khe và quy củ như viết sử nhưng dã sử vẫn phải viết theo những quy tắc cơ bản là cụ thể và theo trình tự thời gian. Bởi  vậy là dã sử thường xúc tích và sử dụng nhiều từ ngữ hán việt. 

     Cách xây dựng hình tượng trong dã sử phải tuân theo mẫu hình tượng từ lịch sử, lộ rõ nhân cách và tài năng. Dó đó người viết phải chọn lọc ngôn từ kĩ lưỡng để khắc họa rõ nhân vật Còn với truyền thuyết, hình tượng nhân vật luôn vượt lên ngưỡng đời thường. Họ được nâng lên thiêng liêng và bất tử.

Tóm lại, truyền thuyết và dã sử luôn có mối quan hệ tương quan nhưng không hề đồng nhất. Ra đời ở hai giai đoạn khác nhau nhưng truyền thuyết vẫ nằm trong mối quan hệ bao hàm với dã sử. Đôi khi truyền thuyết là phương thức truyền đạt dã sử và dã sử lại là phương tiện khơi gợi lại truyền thuyết.